Sau ngày hôm ấy, vào một đêm nọ gió mát rười rượi nhưng trời tối đen, tôi chở nàng trên con đường làng nhỏ xíu, qua cây cầu gỗ cũ kỹ nối liền giữa hai bờ... một con sông để đi thăm nhà người thân bên phía nhà gái (đường qua bến dừa dưới Nghĩa Hòa). Đoạn đường vắng tanh, xung quanh chẳng có nhà dân, chỉ có những ao nuôi thủy sản và dòng sông mênh mông, có lẽ vì người ta đã chuyển sang đi trên con đường cái với cây cầu mới xây kiên cố.
Bỗng trước mặt là một bà lão đang mang một túi xách đi từng bước nặng nhọc giữa đêm khuya, một mình. Tôi dừng xe xin chở bà đi qua đoạn đường ấy. Bà ngồi giữa, vừa đi vừa kể về cuộc sống. Con cháu của bà đều đi làm ăn xa, chỉ còn một đứa sống cùng bà. Hằng ngày bà đem bánh trái xuống chợ bên kia sông ngồi bán, đêm về bà lấy cá tươi từ biển mang về chợ gần nhà bên này sông để sáng sớm mai đem ra bán kiếm tiền. Ngày nào bà cũng đi về nhiều cây số giữa hai cái chợ bằng đôi chân đã mệt nhọc sau những tháng ngày lam lũ.
Phút chốc thảnh thơi trong câu chuyện, qua vài khúc quanh trong xóm nhỏ, bà đã về đến nhà. Một người thanh niên trong nhà vịn tường đi những bước khó nhọc ra đón bà. Anh ấy bị câm, tật và không thể lao động. Đến đây tôi mới hiểu, vì sao một người đã rất già như bà vẫn hằng ngày tảo tần đi sớm về khuya như vậy? Bà đi chợ, buôn bán để kiếm tiền như một người lao động chính nuôi đứa con đã lớn tuổi nhưng không có khả năng lao động.
Bà cảm ơn và bảo hôm nay bà hết bánh rồi, chứ không bà cho hai đứa ít bánh về ăn. Bà bảo vào nhà bà chơi, nhưng chúng tôi quay xe xin phép bà đi về vì trời đã khuya. Nhưng bà không cho chúng tôi về, cất vội đồ đạt rồi đi như chạy băng qua hàng rào để giữ chúng tôi lại để... đưa tiền xe và bắt chúng tôi phải nhận. Thấy nàng chần chừ không nỡ nhận tiền, tôi bèn nhận của bà 1000 đồng và chào từ biệt.
Bởi người chân quê như bà tuy không có nhiều tiền nhưng cách sống sòng phẳng, có tình nghĩa và "đói cho sạch, rách cho thơm".
Ngô Hữu Dũng